
Gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ những câu chuyện mất tiền oan vì cả tin và những giao dịch chuyển khoản giả. Điều đáng nói là không chỉ một vài trường hợp mà rất nhiều người đã mắc phải nhưng các đối tượng lừa đảo vẫn hoành hành và tiếp tục có các nạn nhân.

Câu chuyện được chia sẻ để thức tỉnh mọi người dân
Anh H làm nghề buôn bán và chủ yếu thu lợi nhuận qua việc bán sầu riêng trên mạng xã hội. Vài ngày trước, một tài khoản facebook “Quốc Trung” liên tục đặt hàng với số lượng lớn với yêu cầu vận chuyển sầu riêng bằng xe khách và họ nhận hàng tại Hà Nội. Phương thức thanh toán là chuyển tiền qua mạng (internet banking).
Sau khi tính toán với đơn hàng gần 30 triệu đồng, anh H gửi số tài khoản để vị khách trên chuyển tiền. Vài phút sau, người này gửi cho anh H bức ảnh chụp màn hình điện thoại thể hiện giao dịch chuyển tiền qua mạng thành công.

Phấn khởi vì nhận được đơn hàng lớn, anh H khẩn trương đóng gói hàng và gửi xe ô tô khách theo địa chỉ đã thỏa thuận. Sau khi gửi hàng, anh H kiểm tra tài khoản thì vẫn chưa nhận được tiền.Nhắn tin thì người này nói do chuyển khác ngân hàng và là ngày nghỉ nên tiền chuyển bị chậm. Hai ngày sau, đến thứ hai đầu tuần, anh H kiểm tra tài khoản vẫn không nhận được tiền của khách.
Anh sốt ruột nhắn tin cho người mua nhưng không thấy hồi âm; gọi điện cũng không thấy ai trả lời. Quá sốt ruột, anh đến trình báo cơ quan công an thì được biết đây là trò lừa đảo mới trên mạng. Các đối tượng sử dụng phần mềm chỉnh ảnh để tạo ra các bức ảnh hiển thị nội dung chuyển tiền, thực tế là không có giao dịch chuyển khoản.
Còn rất nhiều những câu chuyện như trên hầu hết đều sử dụng thủ đoạn tương tự nhưng người dân vẫn ngây thơ tin tưởng và mắc bẫy.
Xử lý vi phạm hành vi lừa đảo qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ được quyết định là bị phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính
Căn cứ theo theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.
Trách nhiệm hình sự
Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
– Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
– Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với một trong các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
– Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với một trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự;
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
– Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với một trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự;
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tuy nhiên việc truy bắt các đối tượng lừa đảo qua mạng như tình huống tương tự là khá khó khăn vì các tài khoản mạng xã hội mà đối tượng lừa đảo sử dụng để thực hiện hành vi phạm pháp hầu hết đều là tài khoản ảo hoặc giả mạo người khác. Thủ đoạn của chúng rất tinh vi, khó nhận biết nên người dân cần tuyệt đối cảnh giác mọi lúc, với bất kỳ ai để ngăn thiệt hại đến mức tối đa.