

Hàng năm, vào những ngày cuối tháng 7, chuẩn bị diễn ra một dịp lễ quan trọng của cả nước-ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7, ngày mà tất cả người dân Việt Nam tỏ lòng biết ơn tới thế hệ cha anh đã đổ máu và nước mắt cho độc lập của đất nước thì khắp nơi cũng tổ chức các buỗi lễ long trọng cho dịp này. Mỗi địa phương đều theo chỉ đạo của cấp trên tổ chức buổi lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ cho các em học sinh lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Công tác giáo dục phối hợp từ nhà trường đến địa phương có thực sự hiệu quả để thế hệ tương lai của đất nước hiểu được ý nghĩa to lớn của ngày này?

Đúng ngày 27/7 hoặc trước đó 1,2 ngày các em học sinh được tham dự buổi lễ thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sỹ trên cả nước. Hình ảnh các em, thế hệ tương lai của đất nước, cùng nhau dâng hương, tháp nến tỏ lòng biết ơn và lời hứa xây dựng tổ quốc tới những vị anh hùng đã nằm xuống trên chính mảnh đất quê hương quả thật là một hình ảnh đẹp. Những đôi mắt sáng lấp lánh dưới ánh nến là những thứ quý giá nhất mà các vị anh hùng đã không tiếc thân mình để bảo vệ. Tất cả sự hy sinh cao cả ấy dù đau đớn nhưng vô cùng xứng đáng.

Buổi lễ là dịp để giáo dục lòng biết ơn cho lớp trẻ. Mang ý nghĩa và mục đích cao cả nhưng cách thực hiện có đảm bảo hiệu quả hay không thì cần xem xét. Lúc trước, các em học sinh được đến nghĩa trang liệt sỹ để tham dự buổi lễ phải là những học sinh ưu tú, có đủ tư cách của một người đội viên, đoàn viên và các em đều hãnh diện và hạnh phúc vì vinh dự của mình. Ngày nay, hầu hết các nơi đều chỉ định một số lượng học sinh cụ thể tham gia cho đủ số lượng, yêu cầu của ban tổ chức. Có thể thấy mọi thứ diễn ra chỉ là cho có, cho đủ nhất là thái độ không tình nguyện của các em. Ngay cả khi đến một nơi trang nghiêm, thiêng liêng như nghĩa trang liệt sỹ, các em học sinh vẫn hồn nhiên cười đùa rôm rả dường như không ý thức được ý nghĩa của buổi lễ này.

Trong tâm khảm của những đứa trẻ sinh ra, lớn lên lúc hòa bình đã ôm trọn tổ quốc, chúng không dễ để cảm nhận đươc những mất mát, hy sinh. Vì vậy, những câu chuyện lịch sử lúc này chính là chìa khóa mở ra lòng biết ơn của lớp trẻ. Không chỉ nhà trường, mà cả xã hội có trách nhiệm giáo dục các em. Không có lòng biết ơn thì sớm muộn những hy sinh vẻ vang sẽ bị thời gian vùi lấp, thế hệ sau chẳng biết vì sao mình có được cuộc sống ngày hôm nay. Đạo đức suy tàn là viễn cảnh tệ nhất của một xã hội. Hãy tích cực ngăn chặn điều đó vì nó nằm trong tầm tay của mỗi chúng ta.