
Trong mọi thời đại, người nổi tiếng luôn đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Nhất là ở thời đại phát triển công nghệ số, mọi thứ được phát tán với tốc độ kinh ngạc thì người nổi tiếng và nhiệm phòng, chống suy thoái lại càng đáng bàn luận.

HÌnh dung đúng đắn về người nổi tiếng
Quan niệm về người nổi tiếng ở mỗi thời đại, mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi hoàn cảnh xã hội… có những nét tương đồng xũng như khác biệt trong nội hàm. Nhưng quan điểm chính trị, xu hướng sáng tạo, mục tiêu cống hiến… của họ không thể tách rời tư tưởng của đảng cầm quyền, ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Người nổi tiếng có thể là cá nhân hoặc tổ chức được biết đến rộng rãi, được công chúng thừa nhận và xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Họ có danh tiếng vì nhiều lí do cũng như trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thể thao, điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật, văn học, hội họa, khoa học, kĩ thuật,… Tự chung người nổi tiếng là ca nhân, tổ chức có đóng góp tích cực cho xã hội và được công nhận một cách chính thống.

Dù hoạt động trong lĩnh vực nào thì người nổi tiếng cũng có khả năng ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế-chính trị, văn hóa-xã hội của đật nước họ, thậm chí là các quốc gia khác. Danh tiếng của họ sẽ được coi như một vật bảo chứng cho chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu, hình ảnh đất nước. Vì vậy, vai trò của họ trong xúc tiến sự phát triển và thu hút sự quan tâm cũng như đầu tư là rất lớn.
Trước đây, khi công nghệ thông tin, internet chưa phát triển, người nổi tiếng thường là những người có công lao đặc biệt như là những lãnh tụ, anh hùng, chiến sĩ, những tên tuổi tài năng trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, thể thao… Họ là những tượng đài kinh điển đi vào sử sách trở thành tấm gương sáng về đạo đức, tài năng là niềm tự hào mỗi khi nhắc đến mà các thế hệ tương lai luôn ghi nhớ và noi theo.

Ngày nay, quan niệm về người nổi tiếng đã được mở rộng hơn cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin. Phạm vi xuất hiện của họ không dừng lại ở những lĩnh vực truyền thốngmà đa dạng, phong phú hơn: doanh nghiệp, doanh nhân, những người tham gia hoạt động xã hội, người có hành động dũng cảm, phi thường… Sự nổi tiếng có thể đến với bất kỳ đối tượng nào chỉ trong khoảnh khắc nhờ vào sức lan tỏa mạnh mẽ của không gian mạng. Đó có thể là một anh tài xế cứu mạng em bé rơi từ tầng cao xuống đất. Đó là anh chiến sĩ cảnh sát dũng cảm cứu được cả nhóm thanh niên đuối nước khi đi tắm biển. Đó là anh bộ đội quên mình cứu dân trong lũ quét… Cũng có những nghệ sĩ không nổi tiếng nhờ tài năng mà nhờ tấm lòn thiện nguyện, những hoạt động từ thiện nhiệt tâm, nhiệt thành và hiệu quả…

Nguy cơ suy thoái cần được ngăn chặn
Không nên quy chụp nổi tiếng và tai tiếng với nhau vì đây là hai nhóm đối tượng khác biệt hoàn toàn về bản chất. Cùng là những đổi tượng được quan tâm và nhiều người biết đến, nhưng thái độ của công chúng với hai nhóm này không giống nhau. Người nổi tiếng được xã hội công nhận, tôn vinh là người có đức, có tài, có cống hiến vì sự phát triển của đất nước phân biệt với những thành phần có “nổi” nhưng không có công trạng, không đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Rất nhiều người tìm mọi cách để được biết đến hầu hết đều thông qua sự kết nối của không gian mạng. Một anh nông dân làm vườn hát nghêu ngao gây cười lập tức nổi đình nổi đám trên không gian mạng. Một thanh niên phong cách ăn mặc, đầu tóc dị hợm, phát ngôn gây sốc cũng lập tức trở thành tâm điểm dư luận. Một cán bộ có bất mãn với tổ chức có những phát ngôn mang tính chỉ trích gây hiểu biết sai lệch lại nhận được nhiều sự ủng hộ,…

Lấy dẫn chứng thực tế nhất là vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng ở Bình Dương đã một thời gây xôn xao dư luận. Trước khi bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, bà Hằng là nhân vật được quan tâm đặc biệt từ mọi cử chỉ, lời nói trên không gian mạng. Qua vài buổi livestream nói về đề tài nóng nhất lúc bấy giờ, bà đã thành công thu hút lượng người tương tác, theo dõi khủng. Nhiều người thiếu hiểu biết coi bà Hằng là người nổi tiếng, bày tỏ thái độ ngưỡng mộ một cách cực đoan, thái quá, hùa vào cổ xúy khiến bà Hằng ngộ nhận năng lực bản thân, ngộ nhận quyền lực “ảo”, gây ra những hệ lụy không nhỏ cho môi trường văn hóa và an ninh trật tự.
Những hành vi vi phạm pháp luật của bà Hằng sẽ được điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Điều đáng tiếc là sự việc kéo theo một bộ phận cán bộ, trí thức, trong đó có người là tiến sĩ, giảng viên, luật sư… tham gia giúp sức, tiếp tay cho hành vi sai trái này. Xét về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, hành vi tiếp tay cho việc làm sai trái này là một biểu hiện suy thoái của cán bộ, công chức dù là vì sự tò mò, ngộ nhận, nhận thức lệch lạc hay vì một lợi ích nào đó. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ hành vi này là: “Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…”.

Những cách nổi tiếng tương tự thực chất chỉ là những mánh khóe, chiêu trò, tạo scandal đánh vào đám đông thiếu hiểu biết và dễ dao động. Những sự nổi tiếng “ảo” này mang tính thời điểm, không bền vững nhưng lại rất nguy hiểm khi có khả năng làm rối ren môi trường văn hóa và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và quần chúng.
Trong bối cảnh Đảng ta quyết liệt xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cần có nhận thức thấu đáo, đầy đủ về nguy cơ, biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta đã mở rộng phạm vi xây dựng, chỉnh đốn, phòng, chống suy thoái không chỉ trong tổ chức đảng các cấp mà cả trong hệ thống chính trị, không chỉ cán bộ, đảng viên mà cả tầng lớp công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị. Đảng xác định phải kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực… Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 27-4-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Tiêu cực ở đây chủ yếu là sự suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
Bên cạnh đó thì người dân cũng như người nổi tiếng đóng vai trò không nhỏ trong trách nhiệm phong, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức. Người dân cần sáng suốt, tỉnh tảo để phân biệt đâu là thông tin đáng tin cậy và đâu là thông tin sai lệch cần bài trừ. Người nổi tiếng có sức ảnh hưởng tới công chúng phải làm tròn nghĩa vụ truyền đạt tư tưởng đúng đắn, toàn tâm phục vụ người dân, đóng góp hết mình vì sự phát triển chung của toàn xã hội.