
Trẻ em sinh ra trong thời đại công nghệ được lớn lên trong điều kiện vật chất đầy đủ. Đó là điều đáng mừng khi chúng ta có thể dành cho thế hệ tương lai những điều tốt nhất vì sự phồn thịnh của đất nước. Bên cạnh vật chất, tâm hồn là thứ cần được nuôi dưỡng ngay từ nhỏ có như vậy thế hệ sau mới trưởng thành một cách vững vàng. Có thể nói sách chính là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho tâm hồn và thói quen đọc sách cần được xây dựng sớm nhất có thể.

Trẻ em ngày nay có quen với sách?
Những thứ gần gũi nhất với mỗi đứa trẻ ngày nay dường như không phải đồ chơi như trước kia, sách lại càng không, chúng quen thuộc hơn với điện thoại thông minh, máy tính, tivi,… Đơn giản vì những thứ đồ công nghệ này rất thú vị và giúp người lớn dễ dàng trong việc dỗ dành trẻ.
Quả thực mạng internet và những món đồ công nghệ có khả năng cung cấp kiến thức vô tận. Nhưng trong cái vô tận đó có bao nhiêu nội dung phù hợp với đổ tuổi và sự phát triển trí não của trẻ? Không phải lúc nào người lớn cũng có mặt để kiểm soát nội dung tiếp cận đến trẻ và không phải ai cũng đủ sáng suốt khi đánh giá nó có lợi cho cho con em mình hay không. Kể cả khi chúng mang lại lợi ích về kiến thức các mặt vấn đề khác cũng đồng thời xuất hiện. Sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng bởi thời gian sử dụng đồ công nghệ quá giới hạn, khả năng giao tiếp với xã hội, trưởng thành trước tuổi, đánh mất tuổi thơ,….

Chúng ta, những người lớn lên qua những chiều thả diều, đuổi bắt, trốn tìm không khỏi lắc đầu khi bắt gặp đám trẻ mỗi đứa một góc trên tay là một chiếc điện thoại. Tạm gác lại thực trạng nghiện đồ công nghệ của trẻ em, những đứa trẻ có thích đọc sách hay không. Có thể vẫn có nhiều bé thích thú với sách và không phải phụ huynh không tìm cách để con mình đọc sách. Do niềm yêu thích của chúng với sách ít hơn với chiếc điện thoại, máy tính đa nhiệm kia.
Hãy tìm cách để sách là người bạn tâm hồn của trẻ
Ông bà, bố mẹ, anh chị và những người xung quanh ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất tới thói quen của trẻ. Hành động của những người hằng ngày tiếp xúc có thể quyết định trẻ sẽ có thói quen gì sau này. Và tạo thói quen là quá trình cần sự nghiêm túc, khiên trì chứ không thể thành sau một vài lần. Quan trọng nhất là không có tiền lệ xấu.
Thông thường khi trẻ quấy khóc, người lớn sẽ tìm những thứ mà chúng thích thú để dỗ dành. Những thứ đồ công nghệ như tivi, điện thoại rất hiệu nghiệm ngay lúc đó. Và những lần sau chúng sẽ lại quấy khóc để được chơi điện thoại, được xem tivi. Nên tuyệt đối không tạo cho trẻ thói xấu như vậy.

Còn để tạo thói quen đọc sách, với trẻ em chúng cần có người đồng hành để dẫn dắt. Hãy thử bắt đầu bằng những cuốn truyện tranh màu sắc. Đa phần trẻ em đề thích thú với sắc màu và những câu chuyện được vẽ nên bằng màu sắc sẽ thu hút sự tò mò của trẻ. Bạn có thể là người kể chuyện hoặc là người cùng bàn luận về những câu chuyện đó. Trong khi đó hãy để những đồ công nghệ ra khỏi tầm nhìn của trẻ để chúng không bị phân tâm. Tương tự như khi chúng ta còn nhỏ, thời đại chưa phát triển như bây giờ thì sách là vật hiếm hoi mà đứa trẻ nào cũng trân trọng. Vì vậy, khi ấy chúng ta nâng niu từng trang sách và say mê đọc sách. Dù chỉ là những quyển truyện đã cũ được truyền tay nhau đọc đi đọc lại nhưng khi được cầm trong tay ta vẫn thấy hạnh phúc.

Hãy nhắc nhở con em bạn coi sách là người bạn và trân trọng chúng. Khi đã khắc sâu điều đó, trẻ sẽ tự nảy sinh niềm yêu thích với sách và tự nuôi dưỡng sở thích đọc sách. Không chỉ để tìm kiếm tri thức, đó còn là sở thích, là phương pháp thư giãn hiệu quả. Mở ra trang sách như mở ra thế giới của riêng mình, tạm quên hết mọi buồn bực, lo âu. Dù là trẻ em thì chúng cũng có những muộn phiền của riêng mình và không gì bằng khi chúng tìm được cách giải tỏa. Hãy đưa những dòng chữ, những cuốn sách đến để trở thành người bạn thân thiết của trẻ em.